Bán và thuê lại chỉ là tái cấu trúc tài chính đội tàu bay, nghĩa là giảm số lượng tàu bay sở hữu, nên không có gì phải lo ngại.
Nghiệp vụ bình thường
Về đề xuất bán 3 siêu máy bay A350 và 2 chiếc Boeing B777-2000 ER của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA), trao đổi với Đất Việt, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết: "Kế hoạch bán 2 tàu bay Boeing B777-200ER của VNA cũng là thực hiện kế hoạch phát triển đội tàu bay đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Vietnam Airlines đang triển khai đổi mới, đơn giản hóa chủng loại, tập trung vào các dòng tàu bay hiện đại, công nghệ mới, thân thiện với môi trường, tiện nghi hơn cho khách hàng.
Cụ thể, hãng đã và đang triển khai đổi mới toàn bộ đội tàu bay thân rộng bằng các dòng máy bay thế hệ mới của thế giới là Boeing 787 và Airbus A350 để thay thế các máy bay Boeing 777 và Airbus A330.
Vietnam Airlines đang sở hữu 4 tàu bay Boeing 777 – 200 ER, trong đó 2 tàu sản xuất năm 2003 sẽ hết khấu hao vào năm 2019 và 2 tàu sản xuất năm 2004 sẽ hết khấu hao vào năm 2020. Cho nên việc bán lại các tàu bay trên là kế hoạch dài hạn, thực hiện từ cách đây rất lâu rồi".
Vietnam Airlines bán tiếp 2 Boeing 777, bán và thuê lại 3 Airbus A350 |
Bên cạnh đó, theo ông Thanh, chỉ có nghiệp vụ xử lý tài chính bán và thuê lại (sale & lease back) với 3 tàu A350 giai đoạn 2016 – 2017, bắt đầu thực hiện chứ cũng không phải mới xuất hiện. Nhưng đây cũng là một nghiệp vụ bình thường của một hãng hàng không khi phải rà soát và tái cơ cấu tài chính.
Khi tính toán tái cơ cấu hệ thống tài chính, sắp xếp lại tỷ lệ vốn sở hữu, đó là việc hết sức bình thường. Bán và thuê lại vốn dĩ không phải tái cơ cấu đội tàu bay mà tái cấu trúc tài chính đối với đội tàu bay đó.
Nghĩa là, thay vì bỏ tiền để sở hữu, thì giờ họ bán lại, tiền thuê sẽ tính vào chi phí thường xuyên. Việc này là việc bình thường của một doanh nghiệp, vì không thể 5-7 năm một kế hoạch cũ.
"Tôi khẳng định một lần nữa, việc bán và thuê lại chỉ liên quan đến tái cấu trúc tài chính không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được hoạch định.
Không có thất thoát, làm tốt còn lãi
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Thanh, mục tiêu của một hãng hàng không vẫn luôn là nâng tỷ trọng tàu bay sở hữu lên, để nâng cao năng lực cạnh tranh đội tàu bay, do vậy khi đặt ra vấn đề tăng năng lực tàu bay sở hữu với sự bảo lãnh của chính phủ là hợp lý. Thế nhưng, trong điều kiện nợ công hiện nay, việc rà soát lại là hợp lý.
Khi thực hiện nghiệp vụ bán và thuê lại, việc vay nợ để sở hữu tàu bay sẽ giảm xuống nhưng vẫn bảo đảm về số lượng tàu bay để chủ động trong điều hành khai thác cũng như bảo đảm về khả năng cân đối dòng tiền và an toàn tài chính doanh nghiệp.
Mặt khác, ông Thanh nói thêm: "Chắc chắn không bao giờ có chuyện thất thoát, vì khi bán họ phải tính toán, bán lỗ hay không bán lỗ, trong trường hợp này chắc chắn không lỗ, tại vì máy bay mới nhận về, bán đi thì khó lỗ.Với các cấu trúc thuê mua này, Vietnam Airlines có thể mua được nhiều tàu bay hơn khả năng chịu đựng về tài chính do không ảnh hưởng đến bảng cân đối tài chính.
Trừ khi máy bay mua về kế hoạch khai thác 5 năm rồi mới được bán đi, nhưng mới được 1 năm đã bán đi thì mới gây lỗ. Còn đây vừa mới mua về, thậm chí chưa nhận, nó chỉ liên quan tái cấu trúc tài chính.
Tags: may bay, tau bay, tai chinh, khachsan, binh thanh, hang khong