"Kỹ năng sử dụng mạng xã hội, lựa chọn tin tức, nội dung nào để chia sẻ... là điều cực kỳ quan trọng nhưng ngay cả người lớn cũng chưa hiểu rõ nên hoàn toàn không hướng dẫn cho trẻ, khiến các em dễ gặp những mối nguy khó ngờ",
Dẫn cô con gái trông khá hiền lành, dè dặt tới trung tâm tư vấn tâm lý, chị Nguyễn Thị Hà (Hải Dương) kể, con gái chị là học sinh giỏi suốt từ nhỏ và đang là lớp trưởng. Mấy tuần trước, cô giáo thông báo gần đây con hay nắm tay, ôm một bạn trai cùng lớp. Có lần cả lớp đi dã ngoại, hai cô cậu còn đi chơi riêng.
Hỏi bóng gió con không kể, lại thấy cháu hay chúi mũi vào điện thoại, chị Hà lén xem trang cá nhân của con thì sững sờ khi thấy những đoạn chát với nhóm bạn, trong đó, tụi nhỏ nói những từ vô cùng bậy bạ, còn kể việc đứa này ngủ với đứa kia, chuyện quan hệ, yêu đương khiến người lớn cũng phát ngượng.
"Tôi không dám nói đã biết chuyện, sợ con bé khùng lên, chỉ cố gợi chuyện mà nó không chịu hé miệng. Tôi sợ cứ thế này thì con hỏng mất", chị Hà tâm sự.
Thạc sĩ Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (phố vọng, Hà Nội), cho biết, sau khi nói chuyện với con chị Hà - một cô bé nhẹ nhàng, từ tốn, bà khá bất ngờ. Cô bé chia sẻ vì thấy tụi bạn ai cũng nói tục khi chat nên bắt chước, thấy hay hay và dần quen. Với các em, Facebook là nơi có thể nói, làm gì tùy thích vì không ai biết. Em không hề lường được nguy hiểm nếu có người đọc được những điều này.
Bà Lã Linh Nga cho biết, rất nhiều bố mẹ sốc khi biết những nội dung con mình trò chuyện, chia sẻ trên Facebook. Nó có thể rất tục tĩu, không phù hợp lứa tuổi, khác xa cách con thể hiện bên ngoài. Trẻ chưa lường được những nguy hiểm thật từ thế giới ảo. Lời nói gió bay nhưng chữ thì có thể ảnh hưởng tới tâm lý, cuộc sống, thậm chí là tính mạng người khác.
Dùng Facebook khi còn nhỏ có thể khiến trẻ phải đối mặt với nhiều cạm bẫy trên mạng. Ảnh: MT. |
Bà Nga minh chứng bằng một trường vừa tư vấn vài tháng trước. Cô bé tên Ngọc, 15 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội, được mẹ đưa tới vì mấy lần em đã rạch tay. Khi cha mẹ hỏi, em không nói lý do. Trước đó, Ngọc là cô bé vui tươi, học giỏi và được nhiều bạn quý mến vì hòa nhã.
Sau khi trò chuyện với nhà tâm lý, Ngọc kể, từ hai tuần trước, em liên tục được mấy người bạn thân gửi cho hình chụp các đoạn chat của vài nhóm bạn cùng lớp. Nội dung các cuộc bàn luận là nói xấu Ngọc, bịa đặt chuyện em đã quan hệ với nhiều bạn trai. "Cháu thấy buồn và ức quá, không muốn đi học nữa và muốn chết", Ngọc bày tỏ.
Sau khi được tư vấn, cộng với việc cha mẹ em nhờ bạn bè, thầy cô ngầm tác động, Ngọc đã trở lại trường với tâm trạng tích cực hơn.
Điều đáng lo ngại nhất, theo bà, là hiện nay, quá nhiều bố mẹ cho con thoải mái sử dụng điện thoại từ nhỏ. Đến khi thấy con quá mải mê với thiết bị, chịu ảnh hưởng xấu từ mạng xã hội, thì phụ huynh mới cuống cuồng ngăn cấm nhưng gặp phải sự chống đối quyết liệt của trẻ.
Theo nhà tâm lý, bố mẹ cần hướng dẫn con biết những điều hữu ích cũng như nguy hại của mạng xã hội, biết cách lựa chọn kết bạn, trang tương tác, sử dụng ngôn từ thích hợp... Khi lập tài khoản cho trẻ, cần thống nhất với con các nguyên tắc sử dụng ngay từ đầu, như không mang về phòng riêng, phải giao lại điện thoại cho bố mẹ trước khi đi ngủ...
"Nhiều trường hợp bố mẹ không kiểm soát, trẻ dùng điện thoại lướt mạng, chat tới 2-3h sáng, ngày chểnh mảng, bỏ học", bà Nga cho biết. Theo chuyên gia, khi con trưởng thành hơn - ở cấp 3 hay lúc bố mẹ thực sự tin tưởng khả năng quản lý cá nhân thì mới có thể nới lỏng.
Khảo sát nhanh thì có 170 phụ huynh cho thấy có 8% cha mẹ cho con dùng Facebook thoải mái, không hề kiểm soát việc con sử dụng. Việc này dễ khiến trẻ tiếp nhận các thông tin sai lệch từ cộng đồng. |
Có cùng ý kiến này, thạc sĩ tâm lý Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý NT (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) cho biết, ở các nước phát triển, dù rất tôn trọng quyền riêng tư của trẻ nhưng bố mẹ luôn kiểm soát rất nghiêm việc con sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Những phần mềm giới hạn thời gian, nội dung trang xem được trực tiếp cài vào các thiết bị. Thậm chí thiết bị của trẻ được nối với máy của cha mẹ.
Ông Chuẩn cho biết, nhiều bố mẹ Việt chưa lường được những nguy cơ rình rập khi thả lỏng cho con cái sử dụng điện thoại, Facebook, nhất là với trẻ nhỏ.
Ông chia sẻ một trường hợp với khách hàng là một cậu bé lớp 5.
Cậu bé Nhân thích một bạn gái trong lớp và đã lập nick Facebook trên iPad để chat với cô bé. Nhân thổ lộ tình cảm, hứa hẹn sau này lớn sẽ đám cưới, làm ra nhiều tiền mua quà, mua nhà cho "vợ". Cậu còn kể tên mấy bạn gái khác thích mình nhưng "tớ chỉ yêu mỗi cậu thôi".
Không ngờ bé gái đã chụp lại tất cả các đoạn chat rồi gửi cho các bạn, câu chuyện râm ran khắp lớp. Cậu nhóc bị trêu trọc xấu hổ nên nhất quyết đòi chuyển trường, nhưng không nói lý do. Cuối cùng, phụ huynh đành đồng ý với yêu cầu được đến trung tâm tư vấn tâm lý của con.
"Cháu kể chú nghe chuyện này, chú phải hứa giữ bí mật và nói làm sao thuyết phục được bố mẹ chuyển trường cho cháu", cậu bé giao hẹn.
Theo các chuyên gia, một yếu tố khiến trẻ dễ bị lôi kéo vào thế giới ảo, là sự mất kết nối thật trong gia đình. "Như trường hợp bé Nhân, nếu bố mẹ gần gũi, đủ để con tin tưởng thì bé hoàn toàn có thể chia sẻ vấn đề mình gặp phải với bố mẹ, không cần tìm tới nhà tâm lý", ông Chuẩn chia sẻ.
Tags: mang xa hoi, facebok, cạm bẫy, tâm lý