Cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ nhiều khiến phụ nữ trên 40 tuổi dễ bị sa tạng.
Thống kê mới nhất của Hội Sàn chậu học TP HCM, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ thì có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan vùng chậu như tử cung, bàng quang, trực tràng.
Ảnh: usnews |
Tiến sĩ Nguyễn Trung Vinh, Chủ tịch Hội Sàn chậu học TP HCM cho biết những năm gần đây sàn chậu học được công nhận là một chuyên ngành riêng trong y khoa, có nhiều phát triển trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Việc điều trị sa tạng chậu có nhiều thay đổi, mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.
Tại hội thảo về điều trị sa tạng chậu chiều 2/11, bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết trước đây trường hợp sa tạng chậu, còn gọi là sa sinh dục, một trong những giải pháp đầu tiên là cắt tử cung. Thực tế phương án xử trí này không phù hợp về mặt giải phẫu, chức năng.
"Hiện nay những quan điểm mới trong ngành sàn chậu học giúp thay đổi cách điều trị từ nội khoa đến xâm lấn tối thiểu, can thiệp phẫu thuật", bác sĩ Thanh phân tích.
Cơ sàn chậu của phụ nữ suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ. Tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ cao là người béo phì, ho mãn tính, táo bón, nâng vật nặng lặp đi lặp lại.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu và sa các tạng vùng chậu cần được tư vấn và điều trị hợp lý tùy mức độ bệnh. Nên đi khám giai đoạn sớm để có thể điều trị bảo tồn, tránh khối sa diễn tiến nặng phải phẫu thuật. Phòng bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ, rau quả, uống 1,5 lít nước mỗi ngày, kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh tình trạng béo phì.
Tags: sa tạng, sa tang chậu, phau thuật, mang thai