Giá thép tăng cao trước thời điểm thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài NK đã làm dấy lên mối nghi ngờ về tác dụng của biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước cho ngành thép.
Một trong những nguyên nhân khiến giá thép tăng cao trong thời gian qua là do đầu cơ
Có tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao
Diễn biến trên thị trường trong những ngày đầu tháng 3 cho thấy gi thép tăng cao so với thời gian trước đó, thậm chí giá bán thay đổi từng ngày. Trên thị trường đã có lúc có dấu hiệu "sốt nóng" đối với mặt hàng thép cây. Ước tính trên thị trường, các mặt hàng thép xây dựng đã có mức tăng vào khoảng 10%. Theo phản ánh của một số DN sản xuất, đơn hàng từ các DN phân phối đến dồn dập. Đối tượng chịu tác động lớn khi giá thép tăng là các hộ sử dụng thép, mà cuối cùng lại chính là người tiêu dùng.
Mọi việc sẽ đơn giản nếu việc tăng giá này chỉ là xuất phát từ nhu cầu sử dụng, chi phí đầu vào tăng hay nguồn cung giảm, tuy nhiên, thực tế thị trường đang có tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao trong bối cảnh thời điểm áp thuế tự vệ một số mặt hàng thép NK chuẩn bị có hiệu lực.
Trước đó, khi hàng loạt các DN lớn trong ngành thép gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về tình trạng phôi thép giá rẻ NK ồ ạt vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho các DN sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với mặt hàng phôi thép và thép dài NK vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau với mức áp thuế cho phôi thép là 23,3% và thép dài là 14,2%. Thời gian biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực từ ngày 22-3-2016 và không quá 200 ngày.
Bức xúc trước hiện tượng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc các DN thép tăng giá là biểu hiện của trục lợi chính sách Nhà nước, phản ánh văn hóa kinh doanh của một bộ phận DN ngành thép là chưa văn minh, chưa thực sự vì cộng đồng. Chính phủ ban hành thuế tự vệ đối với thép NK với mục tiêu để bảo vệ sản xuất trong nước, lẽ ra các DN sản xuất, kinh doanh thép trong nước phải nhân cơ hội này để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để giảm giá thành, gia tăng thị phần trong nước. Tuy nhiên, nhân dịp quan hệ cung cầu thay đổi do việc giảm nguồn cung thép NK từ nước ngoài do đánh thuế NK cao, DN thép trong nước lại nâng giá cao lên, gây khốn khổ cho những hộ sử dụng nhiều sắt thép, trong đó có ngành bất động sản.
“Giá thép tăng 10% đồng nghĩa với giá thành dự án BĐS tăng khoảng 5-7%. Việc tăng giá này sẽ làm giảm lợi nhuận, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bởi DN BĐS thường bán nhà hình thành trong tương lai, giá bán nhà đã được "chốt" từ trước. Bây giờ giá thép tăng, dẫn đến giá thành tăng thì DN phải gánh chịu. Trường hợp DN và người dân ký hợp đồng mua bán trong thời điểm này, DN BĐS sẽ cộng phần chi phí tăng thêm vào giá bán và như thế người tiêu dùng lãnh đủ”, ông Châu phân tích.
Phải linh hoạt trong kiểm soát thị trường
Trước diễn biến này, mới đây ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã yêu cầu các DN thép cần tăng cường sản xuất để bình ổn thị trường thép trong nước. Các DN phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới.
VSA khuyến nghị các DN sản xuất phôi và thép dài trong nước ổn định, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường thép trong nước. Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông và công luận về kế hoạch đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu về thép trong nước.
Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, nguyên nhân là do hệ thống thương mại của Việt Nam còn rất nhỏ lẻ, manh mún, chưa phải là hệ thống phân phối hiện đại, quy củ. Khi thấy áp thuế, biết hàng hóa sẽ không còn được NK nhiều, khan hàng, hám lợi trước mắt nên nhiều DN đã “té nước theo mưa”, tích trữ và thi nhau tăng giá và đây là bài học cho cơ quan quản lý.
“Năng lực quản lý của chúng ta vẫn hạn chế, nên không quản lý được thực tế. Việt Nam không có bộ máy theo dõi thị trường đúng nghĩa, cũng như không có công cụ để đánh giá hiện tượng mất thị phần hay ép giá một cách khách quan, nên sẽ bị lợi dụng”, ông Nam cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nam, cơ quan chức năng phải linh hoạt hơn trong việc kiểm soát thị trường. Việc tăng giá thiếu cơ sở, sự bất ổn trong phân phối, hàng hóa tăng giảm không theo giá cả thị trường sẽ khiến nền kinh tế bị rối loạn và chỉ có một số DN phân phối đầu mối được hưởng. Nếu các DN lợi dụng tăng thuế NK để tăng giá quá đà thì nên xem xét để đề nghị chấm dứt việc áp thuế tự vệ. Nhưng muốn vậy, cần phải có sự khảo sát để biết tổng lượng thép trong nước như thế nào, thừa hay thiếu, bởi có khi hàng hóa thừa nhưng DN vẫn găm hàng để đẩy giá lên. Liên quan đến phòng vệ thương mại, ông Nam cho rằng, biện pháp này như con dao hai lưỡi và mặt trái của nó rất nguy hiểm. Trong điều kiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phòng vệ thương mại, cần nghiên cứu, tìm hiểu và nghe ngóng để có sự điều chỉnh phù hợp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sắt thép các loại nằm trong top 10 nhóm hàng NK chính của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016. Theo đó, lượng thép NK trong tháng 2 đạt 1,35 triệu tấn với trị giá đạt gần 474 triệu USD, giảm 9% về lượng và giảm14,6% về trị giá so với tháng tháng trước. Trong 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch NK mặt hàng này của cả nước đạt 2,84 triệu tấn, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2015.
|
|