Mức độ uống như nhau nhưng có người sẽ bị vi phạm, có người lại không phạm vào giới hạn về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Từ 16/8, tại 4 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, Cục cảnh sát giao thông phối hợp với Công an thành phố tập trung kiểm soát việc uống
khi tham gia giao thông ngay tại khu vực gần các nhà hàng, quán rượu/bia vào các giờ cao điểm từ 11h-14h và 16h-21h.
Tại Hà Nội, trong ngày đầu tiên đã có nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý. Cá biệt, một trường hợp tài xế ô tô bị phạt 16 triệu đồng, tước bằng lái 4 tháng và tạm giữ xe 7 ngày vì lượng cồn đo được là 0,622 mg/1lit khí thở. Người này cho biết mình chỉ uống 2 cốc bia trước đó và cảm giác lái xe vẫn bình thường nên rất ngạc nhiên khi phát hiện đã vi phạm.
Tương tự, một người khác cho biết chỉ uống 1 cốc bia nhưng nồng độ cồn đo được là 0.093 mg/1lit khí thở. Theo đó, mức phạt là 2,5 triệu đồng; tước bằng lái 2 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Văn hóa nhậu đã ngấm sâu trong đời sống của người Việt. Hiện tại, việc đẩy lùi nạn bia, rượu trên bàn ăn rồi vẫn thản nhiên lái xe có lẽ còn rất gian nan.
"Tôi không nghĩ uống 2 cốc bia lại có thể bị phạt tiền gần 16 triệu đồng" - tài xế ô tô ngạc nhiên trong ngày 16/8 vừa qua.
Trao đổi với PV,, PGS.TS Trần Hồng Côn (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN) phân tích: “Khi rượu, bia vào trong cơ thể thì trước tiên sẽ chuyển hóa ngay từ trong dạ dày hoặc nếu chưa được chuyển hóa thì sẽ đi vào máu làm nồng độ cồn (Ethanol) tăng lên. Dựa vào nồng độ Ethanol trong máu thì có thể xác định mức độ vi phạm. Nhưng cũng phụ thuộc cơ địa của từng người, có người tiêu hóa nhanh từ trong dạ dày (mặt tái chứ không đỏ) thì nồng độ cồn thấp hơn với người cũng uống như vậy nhưng tiêu hóa chậm (Ethanol đi vào máu và khiến mặt đỏ lên do mạch máu bị máu dãn ra)”.
Vì vậy, về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông, ông Côn cho biết, kể cả khi cùng uống lượng rượu như nhau nhưng có thể xảy ra trường hợp 1 người vi phạm còn người kia lại không. Tương tự, chỉ dựa vào nồng độ cồn thì cũng khó xác định một người đã uống bao nhiêu bia, rượu. Đó là do cơ địa của từng người.
Tương tự, TS Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khẳng định: “Chủ yếu lượng cồn vào cơ thể được chuyển hóa qua gan, nếu gan kém thì sẽ bị tồn lại trong cơ thể nên dù uống ít thì nồng độ cồn vẫn cao lên. Ngược lại, những cơ thể chuyển hóa tốt hơn, Ethanol được thoát ra ngoài thông qua nước tiểu, mồ hôi... thì lượng cồn trong máu sẽ thấp hơn".
Về mức độ tương quan giữa lượng bia, rượu uống vào và nồng độ cồn sản sinh trong máu, TS Hùng cho biết thêm: Hiện ở Việt Nam cũng chưa có nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, có thể tham khảo theo những số liệu của Tổ chức y tế thế giới đã cung cấp.
Cụ thể, tiêu chuẩn của WHO để xác định lượng rượu bia sử dụng tương ứng với nồng độ cồn sinh ra trong cơ thể người như sau:
Một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gam cồn. 1 đơn vị này tương đương 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml); 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); 1 vại bia hơi (330 ml); 2/3 chai (lon) bia (330 ml).
Theo đó, để nồng độ cồn dưới giới hạn vi phạm khi tham gia giao thông (dưới 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở) thì nam giới không nên uống quá 2 đơn vị uống chuẩn trong giờ đầu tiên và không uống quá một đơn vị chuẩn nữa trong mỗi giờ sau đó. Với nữ giới, không nên uống quá một đơn vị và không uống quá một đơn vị uống chuẩn trong mỗi giờ sau đó. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số và cách tính tham khảo.
Nghị định 46 mới ban hành về xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông như sau:
Chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở chịu mức phạt 2 triệu - 3 triệu đồng. Tước bằng lái xe 01 - 03 tháng.
Vượt quá 50 mg - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt 7 triệu - 8 triệu đồng. Tước bằng lái xe 03 - 05 tháng.
Vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt 16 triệu - 18 triệu đồng. Tước bằng lái xe 04 - 06 tháng.
Tags: vi phạm giao thông, nồng độ con, nong do con, bia, ruou, lit khi thơ