Shisha gây nghiện, dễ mắc 3 loại ung thư
Shisha tràn ngập phố
20h, quán shisha ở 50 Đào Duy Từ (Hà Nội) đông kín khách. Thủy Minh, sinh viên đại học năm thứ hai ngồi cùng bốn người bạn từ 18-22 tuổi, cả nam lẫn nữ đang “phê” trong khói shisha táo pha bạc hà. Nhóm bạn trẻ này ngồi chụm vào chiếc bàn nhỏ, chính giữa bàn là một ống hút shisha, lập lòe phía trên cùng là viên than nhỏ dùng để đốt thuốc. Ống hút shisha được từng người thay nhau ngậm miệng hút và nhả từng hơi thuốc. Đặt ống hút vào tay tôi, Minh nói: “Nhẹ, thơm, bay bổng, thích lắm. Ai cũng hút shisha được mà”.
Nhìn qua thực đơn của cửa hàng, “món” shisha đặt lên hàng trên cùng, với nhiều vị khác nhau như: Táo, bạc hà, dâu, sôcôla... giá chỉ 130 nghìn đồng/bình.
“Có bạn gái cùng lớp em còn tự trang bị riêng một bình hút, để trong cốp xe, đến quán chỉ mua thuốc thôi”, Thủy Minh cho hay. Theo Minh, shisha vừa lạ, vừa hấp dẫn, lại không độc vì “đã được lọc qua nước”. “Giờ ngồi quán uống ly cafê xưa rồi, lên sàn thì không phải ai cũng đủ sức, nên tụi trẻ bọn em chọn shisha”, Minh giải thích.
Rời con phố Đào Duy Từ, chỉ qua một khúc quẹo, cả đoạn phố Tạ Hiện cũng ngập tràn trong mùi khói thuốc shisha. Chạy xe tới các “tụ điểm” trà chanh, cafê trên các con phố Nhà Thờ, Triệu Việt Vương, Nguyễn Hữu Huân, Bảo Khánh... khói shisha cũng hòa quyện bên những chiếc bàn của các khách hàng trẻ.
Dễ gây nghiện, nhiều hệ lụy
Shisha là một loại điếu hút thuốc qua ống nước, có xuất xứ từ các nước Ả Rập, còn có tên gọi khác là thuốc lào Ả Rập. Shisha có thành phần chính là mật ong và thảo mộc gây nghiện, tạo mùi thơm, sử dụng bằng cách đốt cách nhiệt.
Trao đổi với PV, Bác sỹ chuyên khoa II Tâm thần và Tâm lý y học Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia khẳng định: “Nhiều bạn trẻ cho rằng hút shisha ít nicotin và ít bị độc hại do được lọc qua nước là chưa hiểu biết hoặc ngụy biện. Nồng độ nicotin trong shisha cao hơn thuốc lá 70%, khả năng gây ngộ độc, nhiễm độc và gây nghiện cao hơn nhiều so với thuốc lá”.
Theo ông Tuấn, điều nguy hại nhất, khi được bán tràn lan trôi nổi trên thị trường, thì shisha đã không còn được nguyên chất mà bị pha lẫn với tạp chất độc hại khác. “Ai biết được người bán hay người sử dụng shisha pha trộn chất gây nghiện thay thế như hàng đá hoặc cần sa? Nếu shisha chế thêm rượu hoặc các loại ma túy khác thì độ nguy hiểm sẽ tăng lên gấp bội. Việc sử dụng shisha có chứa ma túy sẽ dẫn đến tình trạng nghiện từ nhẹ tới nặng, gây ảo giác liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ, tương tự như tác hại của hiện tượng “phê” ma túy”, ông Tuấn phân tích.
Bên cạnh đó, việc tụ tập hút shisha công khai, phổ biến như hiện nay là hình ảnh phản cảm, dễ phát sinh ra nhiều tệ nạn khác. Dẫn chứng cho điều này, ông Tuấn cho biết, qua quá trình điều trị người nghiện ma túy thì phát hiện gần 100% người nghiện ma túy trước đó đều đã sử dụng thuốc lá.
“Ngay cả thuốc lá được bán hợp pháp còn có cảnh báo tác hại trên từng bao thuốc, thì tại sao cơ quan chức năng không có biện pháp hạn chế shisha?”, ông Tuấn đặt vấn đề và đề xuất, mặc dù, việc mua bán shisha chưa bị cấm, nhưng cũng cần được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, như cấm bán cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo, in cảnh báo tác hại trên sản phẩm, tại nơi bán...
Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo, sử dụng shisha lâu dài có thể dẫn đến bệnh tim và nhiều bệnh ung thư như: Ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư tuyến tiền liệt; shisha cũng gây ra các biến chứng khi mang thai tương tự như với thuốc lá; việc cùng ngậm hút chung một ống hút shisha cũng lây truyền virus viêm gan C và các dị ứng, mụn rộp...
Theo khách sạn bình thạnh
Các tin khác
Biết cửa hàng vào tối muộn chỉ có một nữ nhân viên, nghi phạm 17 tuổi đeo khẩu trang, cầm dao xông...
Hacker Nga được cho là đã đánh cắp tin nhắn của hàng chục nghìn thành viên Facebook và rao bán 0,1 USD...
Người mắc hội chứng Dancing Mania sẽ nhảy múa cho đến chết mà các bác sĩ không biết được vì sao họ...
Trong khoảng 24 bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía Đông