Say tàu xe tuy phổ biến nhưng giải pháp lại không quá phức tạp nếu nằm lòng một vài nguyên tắc về cách ăn uống
“Thượng lộ bình an” là lời chúc thường nghe và đồng thời dễ nói do ít khi phải hố. Điểm đáng nói là tuy đến nơi bình an nhờ tài xế không “phóng nhanh vượt ẩu” nhưng hành khách lại bèo nhèo vì... say xe!
Nhịn đói khi lên xe là sai lầm
Say tàu, say xe, say máy bay... là tình trạng thường gặp ở người Việt Nam với tỉ lệ cao hơn ở nhiều quốc gia khác. Điều đáng ghi nhận là phần lớn trong số đó xanh mặt trước khi lên xe hay lảo đảo khi cập bến là do yếu tố tâm lý. Rất nhiều người mang định kiến khó phai của chứng say sóng sau một lần ói mửa đến mật xanh qua chuyến du hành nào đó. Thế rồi, nạn nhân chỉ cần nghĩ đến mùi xăng dầu, nghe tiếng động cơ hay thậm chí chỉ cần chiếc xe đánh võng một chút là đã chuẩn bị bao ni-lông! Đó là chưa kể đến số đối tượng vốn không bị say sóng nhưng có “tinh thần đồng đội” cao đến độ sẵn sàng vào cuộc khi nghe trên xe có người nôn ói hay chỉ cần ngửi mùi dầu gió phảng phất trong xe. Điều này cho thấy yếu tố tâm lý quan trọng đến thế nào trong chứng say xe.
Trong chuyến đi, sẽ là sai lầm nếu ăn nhiều món béo, món có mùi tanh
Cũng vì vai trò quan trọng của hệ thần kinh mà hành khách nếu muốn đến nơi tươi tắn cần nắm vững một số biện pháp dọn đường thông qua ngõ tiêu hóa. Trước hết, rất nhiều người vì quá sợ ói mửa nên để bụng đói khi lên đường. Sai trầm trọng! Bụng đã trống lại thêm dịch vị được bài tiết liên tục từ nỗi lo chuẩn bị hành lý, giấy tờ, tiền bạc, vé xe... thì buồn nôn không mời cũng đến sớm. Phải ăn sáng nhưng không nên ăn quá no, quá béo trước khi lên xe để tránh cảnh quá tải khiến thức ăn dội ngược lên thực quản.
Thuốc say sóng vẫn còn là món không thể thiếu trong hành trang của nhiều người. Mặc dù đã được cải tiến rất nhiều nhưng thuốc say sóng, loại nào cũng thế, ít nhiều đều làm cho người uống phải vật vờ. Tác dụng này càng rõ nét hơn nếu uống lúc bụng đói. Chưa hết, uống thuốc say sóng trước khi lên xe, hay thậm chí sau khi xe đã lăn bánh, là một biện pháp vụng về vì cảm giác say sóng đã ngấm ngầm bắt đầu trước đó rất lâu, khi khách chưa bước lên xe. Do đó, nếu phải uống thuốc thì uống cho sớm với bụng no. Hay hơn nữa là dùng thuốc với liều phân nửa và có thể uống từ đêm hôm trước để vừa có thể ngủ ngon vừa tạo cảm giác thư giãn. Đừng quên, chính tình trạng mất ngủ đêm hôm trước là đòn bẩy cho chứng say sóng.
Đừng quên mấy món dễ ăn
Ngoài thuốc, không quá khó để “trấn an” đường tiêu hóa nếu biết cách sử dụng một số món ăn, thức uống rất thông dụng trong cuộc sống thường ngày. Về mặt dược lý, khó có thuốc nào chống say sóng hay hơn gừng. Kẹo gừng, mứt gừng - càng cay càng tốt - được dùng trước và trong suốt chuyến du hành là biện pháp để khách du lịch an tâm thưởng thức cảnh đẹp bên đường thay vì chỉ lo giữ chặt... cái túi ni-lông.
Bên cạnh tinh dầu cây thuốc, sinh tố B6 là hoạt chất đặc biệt cần thiết cho người dễ say sóng. Còn nữa, khoai lang ta luộc vừa mềm là món ăn nên được chú trọng không chỉ trong chuyến đi mà ngay từ ngày hôm trước.
Say tàu xe tuy phổ biến nhưng giải pháp lại không quá phức tạp nếu du khách nằm lòng một vài nguyên tắc quan trọng về cách ăn uống trong cuộc hành trình: Muốn bao tử đừng kiếm chuyện khi lên xe, xuống tàu phải biết khéo léo đút lót cho... đường tiêu hóa. Chuyến đi chắc chắn không trở thành kỷ niệm khó tiêu nếu du khách đừng quên ít món... dễ ăn!
Đáng tiếc là đến hôm nay vẫn chưa có công ty du lịch nào mời khách chén trà gừng có pha chút mật ong trước khi xe lăn bánh để vừa xoa dịu đường tiêu hóa vừa cung cấp năng lượng cho hệ thần kinh.
Không nên nhịn uống nước
Sau hết, sợ ói mà nhịn uống là sai ghê gớm! Chính vì thiếu nước mà hệ thần kinh trở nên nhạy cảm quá độ. Đừng tưởng bó hoa chào mừng là quan trọng, chính một ly nước lớn ngay khi đến nơi là biện pháp giúp du khách phục hồi sức khỏe nhanh nhất.
Lẽ tất nhiên, nếu muốn khách uống đủ nước khi đi đường thì công ty du lịch trước hết phải giải quyết cho xong vấn đề “đầu ra”. Với chất lượng của nhiều chỗ dừng chân hiện nay trên đường xuyên Việt thì khách nào còn dám uống nước cho đủ khi cảm giác buồn nôn chợt bột phát không vì bệnh say sóng mà vì... phòng vệ sinh!
Tags: say tau xe, tra gung, gung, thần kinh, du lịch, khách