Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I năm 2017.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 ước tính tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý I năm nay cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014 nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 và 2016.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2017 ước tính đạt 921,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2% (thấp hơn mức tăng 7,5% của quý I/2016).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2017 tăng 0,21% so với tháng trước, trong đó 8/11 nhóm hàng hóa dịch vụ cỏ chỉ số giá tăng như nhóm dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Bà Lê Thị Minh Thủy – Vụ trưởng Vụ thương mại điện tử, thuộc Tổng cục Thống kê cho hay, vỉa hè lâu nay được sử dụng để buôn bán nhiều, nhất là hàng hóa và dịch vụ ăn uống. Khi dọn dẹp vỉa hè, nhất là ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM giai đoạn đầu ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của các hộ kinh doanh dịch vụ vỉa hè.
“Lâu nay chúng ta quen sử dụng phương tiện cá nhân là xe máy và quen với việc mua bán, sử dụng các dịch vụ trên vỉa hè. Ngoài ra, vỉa hè cũng tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ kinh doanh. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè đóng góp GDP 11-13%” – bà Thủ cho hay.
Theo bà Thủy, khi cơ quan chức năng ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự đô thị thì ảnh hưởng nhất là các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và hàng hóa trên vỉa hè.
Tags: doanh thu, thong ke, kinh doanh, dich vu, via he, sam pham, thuy san, bao cao