Kiến ba khoang đang tấn công nhiều chung cư Hà Nội
Một tối, 30 con bay vào nhà
Anh Nguyễn Quang Hùng, nhà E1, khu đô thị Ecohome 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, mấy ngày gần đây, nhà anh liên tiếp xuất hiện kiến ba khoang. “Có tối mình bật điện nhưng quên không đóng cửa sổ, hàng chục con kiến ba khoang bay vào phòng ngủ của vợ chồng. Tôi đếm được 30 con”, anh Hùng nói.
Nhiều hàng xóm nhà anh Hùng ở cùng khu đô thị này cũng bị kiến ba khoang tấn công, có người bị kiến ba khoang làm phỏng rộp, cả tuần nay chưa khỏi. Chị Lê Minh, cùng khu dân cư chia sẻ: “Nhà mình tầng 11, nếu tối mà mở cửa sổ thì bắt mỏi tay, 30-50 con mỗi hôm. Ông xã bị đốt hai hôm nay vẫn sưng tấy”.
Tại khu chung cư 102 Trường Chinh, nhiều hộ gia đình cũng trong tình cảnh tương tự. Anh Lê Quang Tấn, cư dân khu chung cư nói: “Mấy ngày nay, hôm nào cũng phải đóng cửa sổ cả ngày. Vậy mà tối vẫn có vài con kiến ba khoang xuất hiện trong nhà. Mình đang tính mua lưới chống côn trùng để hạn chế kiến ba khoang vì nhà có cháu nhỏ”. Trên nhiều diễn đàn khu chung cư ở Hà Nội, nhiều hộ gia đình mách nhau mua lưới chống côn trùng hoặc phun thuốc diệt kiến ba khoang.
Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, kiến ba khoang thực ra không phải là kiến, đây là loài côn trùng bắt mồi có tên khoa họcPaederus fuscipes Curtis. Chúng có chiều dài từ 5-7mm, trên mình có 3 khoang màu sắc lại giống kiến nên hay được gọi là kiến ba khoang.
Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, kiến ba khoang xuất hiện nhiều nhất vào thời điểm sau vụ thu hoạch lúa, rau, ngô. Kiến ba khoang ưa khí hậu ẩm, thường sống chủ yếu ở khu vực đồng bằng, trên các cánh đồng, ven ruộng, bãi cỏ, những nơi đang xây dựng dang dở, trên các thân cây mục. Vì vậy, các khu dân cư gần cánh đồng, bãi cỏ, nhất là các khu chung cư cao tầng có nguy cơ xuất hiện kiến ba khoang rất cao.
Đặc biệt, loài côn trùng này có tính hướng sáng, thường bám vào khu vực quanh ánh đèn. Những người làm việc văn phòng, học sinh có nguy cơ bị kiến ba khoang tấn công cao. Vì vậy, khi học tập hay làm việc bên ánh đèn, người dân nên đóng cửa sổ hoặc mua lưới chống côn trùng.
Cẩn thận xử lý kiến ba khoang
Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, trên cánh đồng, kiến ba khoang ăn trứng sâu hại, rầy hại và một số loài sâu hại nhỏ nên là loài bắt mồi có ích. Tuy nhiên loài côn trùng này có hai tuyến độc dưới bụng. Chúng tiết ra chất độc gây rộp da, nhất là ở vùng nhạy cảm như mắt, miệng. Khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính Pederin được tiết ra và trực tiếp thấm vào da, nhẹ thì sẽ làm da ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng mưng mụn nước. Đặc biệt, nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời.
Theo TS Nguyễn Hữu Sáu, Viện Da liễu Trung ương, kiến ba khoang tiết ra một loại chất gây bỏng da. Khi bị loài côn trùng này tiết ra chất độc sẽ có dấu hiệu của bệnh viêm da bọng nước với các triệu chứng như xuất hiện các vệt đỏ, phù trên da, phía trên vết đỏ có thể có mụn nước, mụn mủ, cảm giác bỏng rát. Một số người khi bị kiến ba khoang tấn công, sau 1-2 ngày còn có biểu hiện sốt, mệt mỏi, nổi hạch vì đau. Người bị kiến ba khoang tấn công, nếu ở thể nhẹ sẽ tự khỏi, nặng hơn sẽ phải điều trị bằng thuốc. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 5-20 ngày tùy vào mức độ của bệnh.
Theo các chuyên gia, để phòng tránh kiến ba khoang, người dân nên thường xuyên vệ sinh môi trường quanh nơi ở, khi học hay làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa sổ hoặc có lưới tránh côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa. Khi có cảm giác côn trùng bám vào cổ, mặt, tránh quệt tay để hạn chế dịch tiết của kiến ba khoang bám vào da sẽ gây bệnh. Khi cơ thể có vùng da bị đau rát nên rửa vùng đó bằng nước muối hoặc xà phòng để ngăn không nổi thành phỏng nước, phỏng mủ.
Tags: khachsan, binh thanh, kiên ba khoang, da liễu,