Cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình vì cơn đau bụng dữ dội, bệnh nhân Hoàng Văn Nhân (SN 1964) được tiêm một mũi giảm đau. Sau mũi tiêm này... cánh tay của bệnh nhân tím đen, sưng tấy dẫn đến hôn mê phải điều trị tại 3 bệnh viện trung ương hơn 1 tháng. Gia đình nạn nhân đã gửi đơn cầu cứu tới Bộ trưởng Bộ Y tế và báo Lao Động.
Suýt mất mạng vì một mũi tiêm
Đang nằm điều trị tại Viện Bỏng quốc gia với cánh tay phải thâm đen bởi một vùng da đã hoại tử phải cắt bỏ và đang chờ được ghép da, người nhà bệnh nhân Hoàng Văn Nhân kể: Đêm 5.2, anh Nhân bị đau bụng, khoảng 3h sáng phải nhập BV Đa khoa Thái Bình cấp cứu. Lúc đầu, các bác sĩ nghi bệnh nhân đau ruột thừa. Khi có kết quả chụp chiếu bác sĩ thông báo bệnh nhân bị đau cầu thận. Ngay sau đó, bệnh nhân được điều dưỡng Phạm Thị Thu Hà tiêm cho một mũi thuốc nói là thuốc giảm đau vào bắp tay phải. Sau mũi tiêm này, bệnh nhân đỡ đau được đưa về nhà.
Cánh tay phải của bệnh nhân Hoàng Văn Nhân đã bị cắt đi phần da hoại tử. Ảnh: Lệ Hà |
Ngồi chăm sóc chồng, chị Nguyễn Thị Hường ngậm ngùi: Hơn một tháng qua gia đình tôi vô cùng khổ cực, lo lắng tính mạng của chồng tôi. Tại sao một mũi tiêm giảm đau lại khiến chồng tôi ra nông nỗi như vậy? Đến nay, gia đình tôi vẫn chưa được bệnh viện giải thích thỏa đáng. Cũng theo chị Nguyễn Thị Hường thì số tiền chạy chữa cho chồng đã lên tới 62 triệu đồng, đó là chưa kể số tiền đã được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, theo tiên lượng của các bác sĩ, việc điều trị còn tiếp tục, chưa biết đến bao giờ mới bình phục.
Không rõ nguyên nhân!
ThS-BS Trần Thị Hải Ninh - phòng Kế hoạch Tổng hợp - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, theo hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Hoàng Văn Nhân, trước khi cấp cứu bệnh nhân có biểu hiện đau bụng từng cơn, đi ngoài phân sệt 2 - 3 lần/ngày. Bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau Diclophelac vào mặt sau tay phải, sau đó xuất hiện sưng nề, tấy đỏ lan từ vai xuống cánh tay. Quá trình điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương kéo dài do cơ thể bệnh nhân đáp ứng lâm sàng chậm. Theo kết luận, bệnh nhân bị sock nhiễm khuẩn viêm mô tế bào cánh tay nhưng không rõ nguyên nhân vì sao.
Điều
dưỡng tổng hợp Nguyễn Văn Nam, người chăm sóc điều trị cho bệnh nhân
Nhân, cho biết, rất khó xác định nguyên nhân gây nên vết thương. Tuy
nhiên, các bác sĩ cũng đặt nghi ngờ khả năng quá trình tiêm không được
vô khuẩn bởi trước khi tiêm bệnh nhân không bị va chạm gì. Chúng tôi
chưa từng tiếp nhận ca nào tiêm thuốc giảm đau mà bị sưng tấy như trường
hợp này. Mặc dù bệnh nhân bị sỏi thận nhưng thuốc giảm đau Diclophelac
không có chống chỉ định với bệnh nhân. Với trường hợp này, chúng tôi
không xác định được nguyên nhân.
Theo khách sạn bình thạnh