Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Sở đã hoàn thành xong kế hoạch cải tạo chung cư cũ và báo cáo UBND TP.Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc cải tạo sẽ được tiến hành lần lượt và đồng bộ từng khu, không triển khai ồ ạt nhằm đảm bảo tiến độ.
Theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội (có hiệu lực từ ngày 14/4/2016) do Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành, các dự án đầu tư xây dựng thuộc 10 dự án nói trên sẽ được xây tối đa 24 tầng.
Tin vui cho người ở chung cư cũ
Cụ thể, quy chế có danh mục chỉ rõ khu tập thể Quỳnh Mai được phép xây tối đa 24 tầng (cao 86m); khu tập thể Giảng Võ được xây tối đa 21 tầng (cao 76m); khu tập thể Ngọc Khánh được xây tối đa 21 tầng (cao 76m); các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Kim Liên, Phương Mai, Thanh Nhàn... được phép xây tối đa 24 tầng (cao 86m).
Theo thống kê Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.
Các chung cư tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ và quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Hầu hết các nhà chung cư đều đã bán nhà cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ.
Qua kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng, do áp lực về diện tích ở, nhu cầu cuộc sống cũng như việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, sự yếu kém về quản lý nên hầu hết các khu chung cư đều có việc cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất trống, sân chung, "đeo ba lô, chuồng cọp". Do vậy, mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần.
Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật nói chung ở các chung cư đều cũ nát, đặc biệt hệ thống cấp nước do dân tự cải tạo thành mạng lưới đường ống chằng chịt trên mặt nhà, rất mất mĩ quan.
Các căn hộ tầng 1 đều ẩm thấp, môi trường sống rất kém, thậm chí có một số chung cư có nền tầng 1 thấp hơn sân, đường nội bộ. Có thể thấy, sự hư hỏng, xuống cấp biểu hiện rõ ở tình trạng lún nghiêng, han rỉ cốt thép, nứt vỡ bê tông ở mức độ lớn, điển hình như các khu: Nhà E6 - E7 Quỳnh Mai; nhà A - B Ngọc Khánh; nhà B7 - C1- E6 - E9 – G6A – G6B – G22 Thành Công; các nhà A - B Ngọc Khánh - đường Nguyễn Chí Thanh; A7 Giáp Lục - Tân Mai, B1 Giảng Võ; A1- A2 Giảng Võ; Tập thể Bộ Tư Pháp…
Đáng lo ngại là hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, trong khi đó, việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, đã dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện, Hà Nội mới hoàn thành xây dựng lại 9 chung cư (B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I1, I2, I3 Thái Hà, P3 Phương Liệt, A6, C7 Giảng Võ); đang khởi công xây dựng 3 chung cư (B6, D2 Giảng Võ, C1 Thành Công) và một khối nhà N3 thuộc dự án thí điểm cải tạo tổng thể khu tập thể Nguyễn Công Trứ, đang tổ chức di dời 2 chung cư (148-150 Sơn Tây, C8 Giảng Võ).
Hiện thành phố bố trí kinh phí kiểm định 162 chung cư cũ để xác định mức độ nguy hiểm; giao cho 62 nhà đầu tư thực hiện việc điều tra xã hội học.
Tags: chung cư, Hà Nội, chủ tịch UBND , ông Nguyễn Đức Chung, xây dựng, lịch sử,