Thạch sùng, còn gọi thằn lằn, mối rách, bích hổ, thủ cung, thiên long... là một trong những loài bò sát được dùng làm thuốc từ lâu đời. Để làm thuốc, người ta thường dùng thạch sùng dưới dạng toàn thân phơi khô.
Theo dược học cổ truyền, thạch sùng vị mặn, tính hàn, có ít độc, có tác dụng bổ phế thận, ích tinh huyết, chỉ khái định suyễn, khứ phong hoạt lạc, tán kết giải độc, an thần, chống co giật... thường được dùng để chữa các chứng bệnh như trúng phong tê liệt (liệt bại do tai biến mạch não), trẻ em kinh phong (co giật), trẻ em cam tích, lao hạch, ho nhiều do hư lao, hen phế quản, ho ra máu, dương liệt dương, viêm đa khớp dạng thấp, các chứng đau do thần kinh, nấm da, cước khí...
Chữa lao hạch và hen suyễn: thạch sùng sấy khô, tán thành bột, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 2-4g, uống với rượu.
Trị ung sang đau nhiều: bột thạch sùng trộn với dầu vừng bôi lên tổn thương.
Trị chứng co giật do tâm hư:thạch sùng 1 con sao vàng, tán bột trộn với một chút chu sa và xạ hương uống với nước sắc lá bạc hà.
Chữa co giật mạn tính do tâm hư (kinh phong):thạch sùng màu vàng 1 con sấy khô, tán bột uống với nước sắc bạc hà cùng một chút xíu chu sa và xạ hương, kết hợp uống đơn sắc Nhị trần thang.
Chữa viêm đa khớp dạng thấp:thạch sùng 10g, ngô công 10g, bạch chỉ 20g, tất cả đem sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 4g.
Trị nấm da: thạch sùng 5 con và ngô công (con rết) 5 con đem ngâm với rượu nặng, lấy dịch chiết bôi lên tổn thương.
Trị cước khí (thấp chẩn): thạch sùng 2 con đem ngâm với 200ml cồn 90%, sau 10 ngày thì dùng được, lấy dịch chiết bôi vào tổn thương...
Chữa cốt tủy viêm: thạch sùng 15g, dã cúc hoa 15g, địa cốt bì 15g, thanh cao 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Lưu ý: Thạch sùng có khá nhiều công dụng trong việc phòng chống bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý khó chữa. Do đó, không nên tự ý sử dụng thạch sùng làm thuốc khi không được tư vấn đầy đủ của thầy thuốc.
Tags: thạch sùng, thach sung, hen suyễn, bo phe than