Nhận được đơn thư của ông Nguyễn Văn Sơn (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc - Hà Tĩnh), phản ánh về việc Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) huyện Hương Khê kê biên đất vườn của gia đình ông nhiều năm nhưng không trả lại và không giải quyết dứt điểm quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông.
Nắm giấy tờ sở hữu đất nhưng “quyền” sinh sống trên đó lại của người khác
Tìm hiểu của PV được biết, năm 1987, bố mẹ ông Sơn (ông, bà Tư - Nhị) đã được UBND huyện Hương Khê cấp giấy phép sử dụng 1.400m2 đất. Sau khi ông Tư, bà Nhị chết, mảnh đất đó thuộc quyền thừa kế của 5 người con (là Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Thị Thao và Nguyễn Thị Nho). Cả 5 anh chị em thống nhất giao cho vợ chồng Lâm bảo quản, sản xuất và thu hoa lợi trên đất.
Năm 1993, ông Nguyễn Văn Lâm tham gia vào vụ xô xát làm chết ông Nguyễn Văn Tân và bị đưa ra xét xử với mức án 13 năm tù giam. Về mặt dân sự, ông Lâm bị buộc bồi thường cho bà Võ Thị Lương (vợ ông Tân) với số tiền 5,2 triệu đồng.
Năm 2001, Chi cục THADS huyện Hương Khê đã ra quyết định kê biên và tạm giao nhà cùng diện tích đất 1.400m2 đất trên cho bà Lương bảo quản để đảm bảo thi hành án.
Ông Sơn cho rằng, quyết định kê biên này là bất hợp lý, bởi vì mảnh đất bị kê biên không phải là tài sản của riêng ông Lâm.
Ngày 13/7/2004, ông Nguyễn Văn Sơn đã tự nguyện nộp thay cho Nguyễn Văn Lâm 10 triệu đồng bồi thường dân sự cho bà Lương. Đồng thời, ông Sơn làm các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đang bị kê biên. Đến ngày 23/6/2008, UBND huyện Hương Khê đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế là 5 người con của ông Tư, bà Nhị mà ông Nguyễn Văn Sơn là người đại diện.
Tuy nhiên, gần 7 năm sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Văn Sơn và những người đồng thừa kế vẫn không thể sử dụng mảnh đất hợp pháp của gia đình mình. Bà Lương vẫn không chịu giao lại mảnh đất cho những người được pháp luật giao quyền sử dụng.
Được biết, hiện bà Lương đã chết và hai người con của bà đang tiếp tục sinh sống, sản xuất tại phần đất của anh em ông Sơn. Chi cục THADS huyện Hương Khê lý giải việc này rằng bà Lương mới chỉ nhận 5 triệu đồng trong tổng số 10 triệu đồng mà ông Sơn tự nguyện bồi thường thay ông Lâm và bà nhất quyết yêu cầu được tiếp tục sử dụng mảnh vườn.
Ông Sơn bất bình nói: “Người phạm tội thì đã bị xử lý theo pháp luật. Tiền bồi thường chúng tôi cũng đã nộp đủ theo quy định, vậy thì không còn lý do gì bà Lương lại chiếm dụng trái phép mảnh đất của chúng tôi”. Ông Sơn đã làm đơn gửi Chi cục THADS huyện Hương Khê đề nghị bãi bỏ quyết định kê biên, giao lại đất cho gia đình ông. Nhưng nhiều năm trôi qua, đề nghị của ông vẫn không được giải quyết một cách thấu đáo.
Tháng 4/2014, Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh có quyết định giải quyết khiếu nại của ông Sơn. Quyết định này nêu rõ: “Chấp nhận khiếu nại của ông Nguyễn Văn Sơn; giao cho Chi cục THADS huyện Hương Khê báo cáo Ban Chỉ đạo THADS huyện Hương Khê để chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp tiếp tục tổ chức thực hiện quyết định giải tỏa kê biên, trả lại tài sản đã bị kê biên cho người có tài sản”.
Tháng 10/2014, Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục có văn bản gửi ông Sơn, khẳng định: “Hiện nay, Cục THADS tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Chi cục THADS huyện Hương Khê tập trung mọi nguồn lực để thi hành dứt điểm vụ việc của ông”.
Nhiều nghi vấn đối với những lời hứa “tập trung mọi nguồn lực”, “thi hành dứt điểm” từ Cục THADS Hà Tĩnh. Bởi lẽ, cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Theo khachsanbinhthanh24h.com