Bia rượu tính chuyện tăng giá
Phản hồi của các doanh nghiệp ngành bia rượu về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 108...
Hầu hết các doanh nghiệp rượu bia đều kiến nghị lùi thời điểm thực hiện Nghị định 108 của Chính phủ sớm nhất sang đầu năm 2017.
“Trong khi dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang dự kiến trình Quốc hội vào cuối tháng 3 này thì Chính phủ và Bộ Tài chính đã cho ra đời nhiều quy định mới về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, làm doanh nghiệp không kịp xoay xở, trở tay”.
Đó là phản hồi của hầu hết các đại diện doanh nghiệp ngành bia rượu, nước giải khát tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) tổ chức ngày 16/3.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) Lê Hồng Xanh nói rằng, chỉ có hai phương án đưa ra, hoặc Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện quy định mới về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 108/2015 sang đầu năm 2017, hoặc doanh nghiệp phải tính đến chuyện tăng giá bán để bù vào khoản thuế phải đóng.
“Làm luật có vấn đề”
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, Nghị định 108/2015 của Chính phủ và Thông tư 195 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2014 có quy định mới với thay đổi đột ngột về giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, trong khi thời điểm có hiệu lực lại quá gần và trùng với thời điểm bắt đầu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (1/1/2016).
Chính điều này đã gây ra nhiều phản ứng và tranh luận trái chiều giữa doanh nghiệp và cơ quan soạn thảo về tính đồng bộ với các văn bản luật hiện hành.
Điều khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại chính là việc áp quy định mới đã làm tăng hơn nữa chi phí thuế, trong lúc các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, với bia và rượu mạnh tăng 5%/năm đến 2019, rượu vang tăng 5%/2 năm, thuốc lá tăng 5%/3 năm.
Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), nói rằng ban đầu, khi đọc nghị định này đã thấy “có vấn đề”. Tuy nhiên, theo ông, các doanh nghiệp trong ngành lẽ ra phải lên tiếng ngay khi nghị định vừa được ký ban hành và chưa có hiệu lực.
Bởi, dù quá trình xây dựng và ban hành nghị định này có thể đã không được triển khai một cách đầy đủ, không cho doanh nghiệp cơ hội được đối thoại, phản hồi, song một khi nghị định đã có hiệu lực thì việc kiến nghị lùi là “vô cùng khó khăn”.
Ông Khải nói, Nghị định 108 được ban hành vào cuối tháng 10/2015 và có hiệu lực ngay sau hai tháng là cách làm luật “có vấn đề”. Thậm chí, ông chia sẻ, có thông tin việc ban hành nghị định này đã phải “chịu một áp lực” về chỉ tiêu thu ngân sách.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chỉ thấy các doanh nghiệp trong ngành và các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), EuroCham… đề xuất lùi thời điểm thực hiện, thay vì kiến nghị tạm dừng và xem xét những điểm bất hợp lý để sửa đổi, bãi bỏ.
Một cuộc đối thoại sòng phẳng giữa những nhà quản lý, soạn thảo nghị định với các doanh nghiệp là giải pháp hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay, ông Khải gợi ý.
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng thuận của Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Trương Hồng Dương.
Theo ông Dương, việc lùi thời hạn thực hiện nghị định là “khó”. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể kiến nghị các cơ quan quản lý tổ chức cuộc toạ đàm để tìm ra được sự đồng thuận, đảm bảo lợi ích của các các bên.
“Tất nhiên, nếu dũng cảm thì vẫn có thể làm được thôi, song trong bối cảnh hiện nay thì Chính phủ đang phải dành ưu tiên cho nhiều nội dung khác trong nhiệm kỳ mới”, ông Dương nói.
“Phải tính chuyện tăng giá”
Theo đại diện một số doanh nghiệp ngành bia rượu, nước giải khác, việc điều chỉnh các quy định tính thuế trong Nghị định 108 đã tác động lớn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt cho hay, nhiều doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị, không dự đoán trước được diễn biến của tình hình, từ đó không có lộ trình thực hiện và có thể dẫn đến ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Thậm chí, đến thời điểm này, không ít doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa biết đến Nghị định 108 của Chính phủ.
Đặc biệt, doanh nghiệp ngành bia hiện nay phổ biến kinh doanh theo mô hình nhiều cấp, đơn vị sản xuất và hệ thống phân phối (doanh nghiệp thương mại) thường là những pháp nhân độc lập.
Trong khi đó, Nghị định 108 lại quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá mà đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu bán ra, song không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại trong tháng. Cơ sở kinh doanh thương mại cũng không được phép có quan hệ với công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng hệ thống với cơ sở nhập khẩu, sản xuất.
Phó tổng giám đốc Sabeco Lê Hồng Xanh nói rằng, việc áp dụng đồng thời hai quy định trên sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả kinh của các doanh nghiệp, khiến hầu hết phải mất hàng trăm tỷ đồng tiền thuế đóng thêm.
“Điều này sẽ ăn mòn lợi nhuận, khiến giá bia tăng mạnh. Với cách tính thuế như vậy, Sabeco cũng đang tính đến việc điều chỉnh giá”, ông Xanh nói.
Còn theo tính toán của VBA, với mức tăng thuế 5% trong năm 2016, giá bia sẽ tăng tương ứng 5%, chưa kể khoảng 3% nữa do chi phí vênh lên.
Theo khachsanbinhthanh24h.com Tags: nghi dinh 108, tang gia, bia, khach san
Các tin khác
Biết cửa hàng vào tối muộn chỉ có một nữ nhân viên, nghi phạm 17 tuổi đeo khẩu trang, cầm dao xông...
Hacker Nga được cho là đã đánh cắp tin nhắn của hàng chục nghìn thành viên Facebook và rao bán 0,1 USD...
Người mắc hội chứng Dancing Mania sẽ nhảy múa cho đến chết mà các bác sĩ không biết được vì sao họ...
Trong khoảng 24 bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía Đông