Trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, chỉ còn duy nhất bé Na 18 tháng tuổi may mắn sống sót. Một vấn đế pháp lý được đặt ra liên quan đến khối di sản thừa kế tương đối lớn của gia đình ông Lê Văn Mỹ là ai sẽ được hưởng thừa kế khi không có di chúc để lại?
Theo luật sư (LS) Trương Thị Thu Hà (thuộc Đoàn LS TP.HCM) , nếu trước khi mất vợ chồng ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, Công ty sản xuất, chế biến gỗ Quốc Anh), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Ngọc (42 tuổi) có lập di chúc thì những người được chỉ định trong di chúc đó được hưởng di sản thừa kế do vợ chồng ông Mỹ để lại.
Ngoài những người được chỉ định trong di chúc còn có cha mẹ bà Nga (vì cha mẹ của ông Mỹ đã mất, cha mẹ bà Nga còn sống) và bé Na cũng được hưởng một phần thừa kế theo điều 669 Bộ luật Dân sự (BLDS): "Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc", những người này được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật.
Nếu vợ chồng ông Mỹ không để lại di chúc toàn bộ tài sản của mình cho ai thì di sản thừa kế của vợ chồng ông Mỹ sẽ được chia theo quy định của điều 676 BLDS cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Trong trường hợp này, vợ chồng ông Mỹ đã chết, cha mẹ đẻ của ông Mỹ cũng đã chết, chỉ còn lại cha mẹ của bà Nga và bé Na nên bé Na sẽ được hưởng thừa kế của cha mẹ mình để lại cùng với ông bà ngoại.
Đối với việc giám hộ cho bé Na, LS Nguyễn Đức Huy (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, vì cha, mẹ và các anh chị em ruột của bé Na đã mất hết nên ông bà ngoại sẽ là người giám hộ cho bé. Giấy khai sinh của bé Na là cơ sở chứng minh được mối quan hệ huyết thống với vợ chồng ông Mỹ.
Các LS đều cho rằng, người thân thích của người được giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét, giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ.